Không thể tách rời Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh
(Cập nhật lúc: 03:01:16 - 08/03/2023) - [Đã xem: 235.389]
Những năm gần đây xuất hiện nhiều ý kiến, lập luận sai lệch cho rằng, chỉ cần lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là đủ; hoặc Hồ Chí Minh là người theo “chủ nghĩa dân tộc”, không cần thiết phải du nhập Chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam… Đây là những luận điệu nhằm chia tách mối quan hệ máu thịt giữa học thuyết Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh để phủ nhận tính khoa học cách mạng nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Để góp phần đấu tranh với thủ đoạn thâm hiểm đó, Báo Quân đội nhân dân xin giới thiệu loạt bài “Không thể tách rời Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”.
Bài 1: Tư tưởng Hồ Chí
Minh là sự kế tục, phát triển Chủ nghĩa Mác - Lênin lên tầm cao mới
Nguồn gốc, hạt nhân biện chứng
của tư tưởng Hồ Chí Minh
Bằng góc độ tiếp cận khoa học, hệ thống, lịch sử, có thể luận
giải và khẳng định: Chủ nghĩa Mác-Lênin là nguồn gốc, là hạt nhân biện chứng
của tư tưởng Hồ Chí Minh và làm cho tư tưởng của Người trở nên cách mạng, hoàn
bị hơn. Có được điều đó là do chính Hồ Chí Minh đã tìm đến Chủ nghĩa Mác-Lênin,
nghiên cứu, kế tục, phát triển nó lên tầm cao mới, vận dụng sát đúng với thực
tiễn cách mạng Việt Nam.
Nói về Chủ nghĩa Mác-Lênin, trước hết, nói về chủ nghĩa Mác. Chủ
nghĩa Mác do hai người thầy vĩ đại của giai cấp công nhân là C.Mác và
Ph.Ăng-ghen sáng lập vào giữa thế kỷ 19, đó là kế thừa có phê phán và sự phát
triển sáng tạo các tư tưởng tiên tiến của lịch sử nhân loại trước đó, bao gồm:
Triết học cổ điển Đức, Kinh tế chính trị học cổ điển Anh và Chủ nghĩa xã hội
không tưởng Pháp và các ông đã “đứng trên vai những người khổng lồ” xây dựng
nên học thuyết cách mạng đáp ứng yêu cầu của thời đại. Khẳng định giá trị khoa
học, cách mạng của học thuyết Mác, V.I.Lênin đã khái quát: “Điểm chủ yếu trong
học thuyết của Mác là ở chỗ nó đã làm sáng tỏ vai trò lịch sử thế giới của giai
cấp vô sản” và “Toàn bộ thiên tài của Mác chính là ở chỗ ông đã giải đáp được
những vấn đề mà tư tưởng tiên tiến của nhân loại nêu ra...”.
Bởi thế, V.I.Lênin đã ra sức bảo vệ lý luận của Mác, phê phán
không khoan nhượng với mọi loại kẻ thù tư tưởng xét lại và cơ hội; đồng thời,
chú trọng tổng kết kinh nghiệm thực tiễn đấu tranh cách mạng của giai cấp công
nhân thế giới, dựa trên những kết quả mới của khoa học, bổ sung, phát triển cơ
sở lý luận của Mác với tinh thần biện chứng duy vật. Di sản của V.I.Lênin để
lại cho nhân loại tiến bộ là vô cùng to lớn, cả trên phương diện lý luận và
thực tiễn cách mạng. Do đó, giai cấp công nhân thế giới và nước Nga
tôn vinh di sản đó là Chủ nghĩa Lênin. Công lao của V.I.Lênin và chủ nghĩa của
Lênin đối với cách mạng Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát: “Ở nước
ta và ở Trung Quốc cũng vậy, có câu chuyện đời xưa về cái “cẩm nang” đầy phép
lạ thần tình. Khi người ta gặp những khó khăn lớn, người ta mở cẩm nang ra, thì
thấy ngay cách giải quyết. Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách
mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những
là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng
lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”.
C.Mác, Ph.Ăng-ghen là những thiên tài, song giai đoạn đầu
hai ông chưa phải là những người cộng sản mà còn đứng trên lập trường dân chủ
cách mạng và nhân đạo chủ nghĩa. Đến khi hai ông tích cực hoạt động lý luận,
nhất là tham gia tích cực vào phong trào cộng sản và công nhân quốc tế mới
chuyển sang lập trường cộng sản. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vậy, trong bài
viết "Con đường dẫn tôi đến Chủ nghĩa Lênin", đăng trên Báo Nhân
Dân, số 2226, ngày 22-4-1960, Người khẳng định: “Lúc đầu, chính là chủ
nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin
theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý
luận Mác-Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ
nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và
những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.
Con đường đến với Chủ nghĩa
Mác-Lênin
Từ rất sớm, năm 1927, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh, sau nhiều năm
hoạt động cách mạng đã kết luận: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều,
nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là Chủ nghĩa
Lênin”. Trong bài trả lời phỏng vấn nhà báo Pháp Sác-lơ Phuốc-ni-ô, phóng viên
Báo Lhumanité (Pháp) ngày 15-7-1969, đăng trên Báo Nhân Dân, số 5801, ngày
5-3-1970, Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định: “…chính là do cố gắng vận dụng những
lời dạy của Lênin, nhưng vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với thực tế Việt
Nam ngày nay, mà chúng tôi đã chiến đấu và giành được những thắng lợi to lớn
như đồng chí đã biết. Chúng tôi giành được thắng lợi đó là do nhiều nhân tố,
nhưng cần phải nhấn mạnh rằng… chúng tôi giành được những thắng lợi đó trước
hết là nhờ cái vũ khí không gì thay thế được là Chủ nghĩa Mác-Lênin”.
Hồ Chí Minh chắc hẳn không có ý định trở thành nhà tư tưởng, nhà
lập thuyết. Trong cảnh nước thuộc địa, dân lầm than, nô lệ thì nhiệm vụ giải
phóng dân tộc, đem lại hòa bình, tự do, hạnh phúc cho đồng bào mới thực sự là
“ham muốn tột bậc” và cuốn hút tâm sức của Người. Hồ Chí Minh đến với Chủ nghĩa
Mác-Lênin, “vui mừng đến phát khóc lên” chính là bởi Hồ Chí Minh tìm thấy ở đó
con đường giải phóng dân tộc (khác với nhiều trí thức tư sản phương Tây đến với
Chủ nghĩa Mác-Lênin như một học thuyết nhằm giải quyết những vấn đề về tư duy).
Nhưng trong phương pháp tiếp cận, một mặt, Hồ Chí Minh khẳng định Chủ nghĩa
Mác-Lênin là “chủ nghĩa chắc chắn nhất, chân chính nhất, cách mệnh nhất” chỉ
đường cho cách mạng Việt Nam vận động; mặt khác, Người không tuyệt đối hóa vai
trò của Chủ nghĩa Mác-Lênin, Người khẳng định: “Chủ nghĩa Mác-Lênin là kim chỉ
nam cho hành động, chứ không phải là kinh thánh”.
45 năm sau (kể từ lúc tiếp cận Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương
về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin được Đại hội lần thứ hai
Quốc tế Cộng sản họp năm 1920 thông qua), đến năm 1965, khi trả lời phỏng vấn
của Tạp chí Thanh niên (Canada): “Lý do gì đã làm cho đồng chí chuyển
hướng tư tưởng và trở thành một người theo Chủ nghĩa Mác?”, Người khẳng định đã
đến và tiếp thu Chủ nghĩa Mác-Lênin như một lẽ tự nhiên và rất dung dị: “Trong
lúc đó thì Cách mạng Tháng Mười vĩ đại thành công ở Nga. Lênin tổ chức Quốc tế
Cộng sản. Rồi Lênin phát biểu Luận cương cách mạng thuộc địa. Những việc đó làm
cho tôi thấy rằng: Nhân dân lao động Đông Dương, nhân dân các thuộc địa và nhân
dân lao động muốn tự giải phóng thì phải đoàn kết lại và làm cách mạng. Vì vậy,
tôi trở nên người theo Chủ nghĩa Mác-Lênin”.
Như vậy, Hồ Chí Minh không giáo điều khi tiếp thu lý luận
Mác-Lênin, mà Người vận dụng phương pháp luận của chủ nghĩa này để tìm ra những
chủ trương, giải pháp, đối sách phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam tuân
theo một quy luật: “Không phải học để thuộc lòng từng câu từng chữ, đem kinh
nghiệm của các nước anh em áp dụng một cách máy móc. Nhưng chúng ta phải học
Chủ nghĩa Mác-Lênin để phân tích và giải quyết các vấn đề cụ thể của cách mạng
nước ta, cho hợp với điều kiện đặc biệt của nước ta. Khi vận dụng thì bổ sung,
làm phong phú thêm lý luận bằng những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn
cách mạng của ta”. Hồ Chí Minh trong khi vận dụng Chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn
cảnh và điều kiện cụ thể của Việt Nam, kết hợp với truyền thống tư tưởng của
dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, đã bổ sung, phát triển sáng tạo nên một hệ
thống tư tưởng và lý luận hoàn chỉnh của mình. Kết luận này không phải do chúng
ta “thần thánh” hóa Hồ Chí Minh mà chính từ tư tưởng Hồ Chí Minh đến thực tiễn
cách mạng nước ta đã chứng tỏ điều ấy.
Không thể tách rời
Đối với Hồ Chí Minh, Chủ nghĩa Mác-Lê nin là cơ sở thế giới
quan, phương pháp luận khoa học để giải quyết những vấn đề do thực tiễn cách
mạng Việt Nam đặt ra. Người tuyệt nhiên không bao giờ xa rời Chủ nghĩa
Mác-Lênin, đồng thời kiên quyết chống chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa xét lại.
Như vậy, Chủ nghĩa Mác-Lênin là một nguồn gốc chủ yếu nhất của tư tưởng Hồ Chí
Minh, là một bộ phận hữu cơ-bộ phận cơ sở, nền tảng của tư tưởng Hồ Chí Minh.
Không thể đặt tư tưởng Hồ Chí Minh ra ngoài hệ tư tưởng Mác-Lênin, hay nói cách
khác, không thể tách tư tưởng Hồ Chí Minh khỏi nền tảng của nó là Chủ nghĩa
Mác-Lênin. Cho nên, có thể khẳng định: Ở Việt Nam, giương cao tư tưởng Hồ Chí
Minh cũng là giương cao Chủ nghĩa Mác-Lênin. Muốn bảo vệ và quán triệt Chủ
nghĩa Mác-Lênin một cách hiệu quả, phải bảo vệ, quán triệt và giương cao tư
tưởng Hồ Chí Minh. Đó là lịch sử mà cũng là logic của vấn đề. Nó giúp chỉ ra
sai lầm của quan niệm đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với Chủ nghĩa Mác-Lênin.
Đại hội IX của Đảng khẳng định: Tư tưởng Hồ Chí Minh là “một hệ
thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt
Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin vào
điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống
tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần
vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự
nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”. Tư tưởng Hồ Chí Minh và Chủ
nghĩa Mác-Lênin nằm trong sự thống nhất hữu cơ; cả hai đều là nền tảng tư
tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta, nhân dân ta. Chúng ta không thể
lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin thay cho tư tưởng Hồ Chí Minh và ngược lại, cũng như
không thể hiểu và quán triệt, vận dụng sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh nếu không
nắm vững Chủ nghĩa Mác-Lê nin. Bởi một lẽ thường tình: Chủ nghĩa Mác-Lênin là
hạt nhân biện chứng của tư tưởng Hồ Chí Minh.
Phạm.V.Huấn, Nguyễn.V.Minh, Nguyễn Tấn Tuân, Hồ Quang Phương, Hà Sơn Thái
(Theo https://www.qdnd.vn/)
Tích cực ứng dụng AI góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo tại... |
Tọa đàm “Tăng cường công tác phát triển đảng trong sinh viên trên địa bàn... |
Khai giảng năm học 2024 - 2025 |
Tham gia ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Bắc bị thiệt hại do bão số 3 và lũ... |
Hội thảo lấy ý kiến các bên liên quan về chương trình đào tạo Ngành Kỹ... |
Tuổi trẻ trường CĐCĐ Hậu Giang với chương trình tiếp sức mùa thi năm 2020 |
Cài đặt BLUEZONE bảo vệ bản thân - bảo vệ cộng đồng |
Lễ Khai giảng năm học 2020 - 2021 |
Hội nghị "Gắn kết cơ sở giáo dục với doanh nghiệp" |
Kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2020), Trường CĐCĐ Hậu Giang thực... |
TRƯỜNG CĐCĐ HẬU GIANG
Email: hgcc@hgcc.edu.vn
Địa chỉ: | Đường 19/8, xã Vị Tân, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang |
Điện thoại: | 0293.3870.190 |
Địa chỉ: | Đường 19/8, Ấp 6, xã Vị Tân, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang |
Điện thoại: | 0293.3581.212 |
Địa chỉ: | Số 3291, đường Hùng Vương, Phường Hiệp Thành, TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang |
Điện thoại: | 0293.3963.803 |
copyright ©: Trung tâm Liên kết Đào và Bồi dưỡng thường xuyên